Mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô năm 2016 hiện vẫn đang được áp dụng theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 và theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của chính phủ có hiệu lực chính thức từ ngày 01/08/2016. Trong đó có nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau đối với người điều khiển ô tô không có bằng lái xe ô tô hoặc không thể xuất trình được giấy phép lái xe ô tô phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển trong thời điểm được người có thầm quyền yêu cầu dừng xe lại và xuất trình giấy tờ xe.

Lỗi không có bằng lái xe ô tô

Dưới đây là các thông tin chung có liên quan đến các câu hỏi thường gặp như: không có bằng lái xe phạt bao nhiều tiền, không có bằng lái xe có bị giữ xe, không có bằng lái xe phạt như thế nào… nhằm để quý học viên và bạn đọc nắm rõ được mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô năm 2016.

Căn cứ theo Luật giao thông đường bộ năm 2008, tại khoản 1 điều 58 quy định rõ “Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”. Điều 8 của Luật này cũng quy định nghiêm cấm “Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định”.

Như vậy, theo quy định trên thì điều khiển xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Và nếu khi bạn điều khiển xe ô tô mà vi phạm lỗi không có giấy phép lái xe ô tô thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô đối với người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi không có bằng lái xe ô tô cụ thể như sau:

  • Nếu không mang theo Giấy phép lái xe thì mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô là từ 200.00 đồng đến 400.000 đồng. (Điểm a khoản 3, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
  • Nếu có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 06 tháng thì mức phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. (Điểm c khoản 4, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
  • Nếu có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên thì mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. (Điểm a khoản 7, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
  • Nếu không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; Có giấy phép lái xe do các nước có tham gia công ước quốc tế về giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo giấy phép quốc gia thì mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. (Điểm b, điểm c khoản 7, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
  • Ngoài ra, bạn còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa. (Khoản 8, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô

Lỗi không có bằng lái xe ô tô

Lưu ý, khi vi phạm giao thông mà bạn không mang theo giấy tờ, tiền mặt thì sẽ bị tạm giữ phương tiện để đảm bảo cho việc nộp phạt. Thời gian tạm giữ phương tiện tối đa là 07 ngày, nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần thiết tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ phương tiện. Nếu quá thời hạn trên mà bạn không đến để nộp phạt và nhận lại phương tiện của mình mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh các quy định về mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô đối với người điều khiển phương tiện thì đối với chủ phương tiện (tức người giao xe), Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định mức xử phạt hành chính nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông. Cụ thể, điểm đ khoản 5 điều 50 nêu, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô; hoặc từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô; nếu cá nhân hoặc tổ chức trên thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại điều 58 Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.