Các điểm mù làm người điều khiển không thể nhìn thấy những xe đang chạy cùng làn/khác làn từ phía sau, những xe đang chạy cắt qua giao lộ… khiến việc chủ động quan sát để xử lý tình huống trở nên khó khăn hơn.
Điểm mù xe ôtô là gì?
Điểm mù là những vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong tầm nhìn của người điều khiển. Nói cách khác, người điều khiển không thể nào quan sát được điểm mù thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp. Các vị trí điểm mù thường gặp là điểm mù gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe, điểm mù phía sau xe.
Màu đỏ là các vị trí điểm mù
Điểm mù trở nên đặc biệt nguy hiểm khi người lái chuyển làn, rẽ ở các ngã tư hoặc đậu xe vào bãi. Khi đó, các điểm mù làm người điều khiển không thể nhìn thấy những xe đang chạy cùng làn/khác làn từ phía sau, những xe đang chạy cắt qua giao lộ… khiến việc chủ động quan sát để xử lý tình huống trở nên khó khăn hơn.
Hệ thống giám sát và cảnh báo điểm mù – Blind Spot Monitoring (BSM)
Hệ thống cảnh báo điểm mù chủ động: một hệ thống giám sát điểm mù gồm các bộ phát sóng điện từ gắn trên gương chiếu hậu, quanh thân xe hoặc cản sau có nhiệm vụ phát ra sóng điện từ khi xe đang di chuyển. Ngoài ra, có thể có thêm camera được đặt trên hai gương chiếu hậu.
Khi một chiếc xe phía sau hoặc bên hông tiến quá sát đến chiếc xe của bạn thì bộ phát sóng điện từ sẽ nhận ra và gửi tín hiệu về bộ điều khiển. Hệ thống sẽ cảnh báo bạn bằng cách phát âm thanh, vô lăng sẽ rung lên và hình ảnh sẽ hiện thị lên màn hình trung tâm cho dễ quan sát.
Mazda là hãng xe Nhật Bản đầu tiên trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù. Hãng lần đầu giới thiệu nó vào năm 2009 trên mẫu CX-9 Grand Touring, tuy nhiên gặp rất nhiều hạn chế. Đến năm 2013 thì hệ thống đã được cải tiến rất nhiều và được trang bị trên hai mẫu xe CX-9 Touring và Grand Touring. Và hiện nay, hệ thống cảnh báo điểm mù đã được trang bị trên rất nhiều dòng xe của Mazda như Mazda3, CX-5 tiếp đó nữa là CX-3. Mitsubishi cũng trang bị hệ thống này trên mẫu Pajero Sport.
Hệ thống cảnh báo điểm mù có thực sự cần thiết?
Yếu tố đầu tiên bạn cần xem xét là kích thước xe của bạn. Xe có kích thước càng lớn sẽ càng có nhiều điểm mù. Vậy nên, đây sẽ là trang bị hữu ích cho những chiếc SUV cỡ lớn như Ford Explorer, Toyota Highlander hoặc những chiếc Minivan cho gia đình như Toyota Sienna, Honda Odyssey.
Yếu tố thứ hai cần quan tâm là tầm nhìn trên chiếc xe của bạn. Nếu chiếc xe bạn định mua có tầm quan sát rộng và được thiết kế với cửa kính kích thước lớn, bạn có thể không cần đến BSM.
Yếu tố thứ ba là điều kiện vận hành của xe. Hệ thống cảnh báo điểm mù hoạt động hiệu quả nhất với điều kiện đường lớn có nhiều làn, đường cao tốc nơi người lái thường chuyển làn ở tốc độ cao. Nếu hầu hết thời gian bạn thường di chuyển trong nội thành trên những con đường 1 làn hoặc kẹt trong tình trạng “xe đông, di chuyển chậm”, hệ thống này gần như trở nên vô dụng và đôi khi khá phiền phức.
Yếu tố cuối cùng, cũng giống như khi mua xe, bạn nên trực tiếp trải nghiệm để có được cảm nhận và đánh giá chính xác nhất về hệ thống này. Hãy chạy thử một chiếc xe có trang bị BSM, từ đó bạn có thể đưa ra quyết định xem nó có đáng tiền và phù hợp với bản thân hay không.