Chiêu trò lừa đảo ở bến xe Mỹ Đình được kể đến  là “Bẫy xe ôm”

Mượn danh nghĩa xe ôm, các đối tượng bất hảo sẵn sàng “giúp đỡ” khách lên kịp chuyến xe. Không ít hành khách đã trở thành “con mồi” của lũ trộm cướp “đội lốt” xe ôm này.

xo

 

Giăng bẫy…

Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, cứ hai – ba người một tốp, luôn theo sát và yểm trợ cho nhau, chúng nhắm đến những “con mồi” trong bến đang tìm xe quen, hoặc những hành khách tới nhầm bến xe, rồi đưa họ đến nơi hoang vắng để trấn lột, đòi tiền.

Màn kịch của các đối tượng này thường là một tên giả vờ gọi điện thoại cho “nhà xe”, một tên khác nhanh miệng nói với khách rằng “anh vừa gọi nhưng rất tiếc xe vừa xuất bến, nếu khách đi ngay bọn anh chở ra xe cho kịp chuyến…”. Chưa cần biết khách phản ứng ra sao, một “tài xế xe ôm” chạy thoăn thoắt ra lấy xe máy đi về phía hành khách, “tài xế” còn lại nhanh nhảu: “Nào lên xe nhanh để anh này đưa bọn em ra xe về. Nhanh lên em không người ta không đợi lâu”. Nói rồi, một người nổ máy xe, người kia liên tục giục khách lên xe để tạo cảm giác đang rất vội, cũng là để khách không có thời gian để tìm hiểu, dẫn đến chống đối hay bất hợp tác.

Trong vai một lao động tự do đang tìm đường về quê, tôi tiến vào sảnh bến xe Mỹ Đình. Đúng lúc có một “tài xế xe ôm” chặn lối, tay túm lấy túi xách, giọng khàn khàn: “Anh về đâu?”. Đáp: “Tôi về Thái Bình”. Anh ta tiếp lời: “Ối. Xe vừa rời bến, đang ngoài cổng chính, anh đi luôn nhé. Nhanh kẻo trễ giờ anh ơi”. Sau một tiếng “ờ”, người đàn ông kéo túi của tôi chạy phăng phăng phía trước. Ra đến cổng, anh ta giả vờ ngó nghiêng rồi chép miệng: “Công an đang đứng đây, xe không dám bắt khách, xe chạy lên phía trước vài ba trăm mét rồi, anh lên xe, em chạy đuổi theo”. Vừa nói, anh ta vừa đặt cái ba lô của tôi xuống giá xe rồi nổ máy vẻ gấp gáp. Và dĩ nhiên, tôi đồng ý… bị lừa. Phía sau tôi, một vài đối tượng khác đã nổ máy bám theo.

Trong một diễn biến khác, tôi cố ý tiếp cận mấy hành khách đang ngó nghiêng tìm xe. “Con mồi” là hai cô sinh viên, cùng xuôi về Nam Định. Chỉ một, hai câu ngọt giọng, các đối tượng đã lấy được lòng tin của hai khách nữ trẻ tuổi. Sau màn mời chào, chèo kéo, “thợ săn” áo trắng nhanh tay rút điện thoại ra gọi cho nhà xe, chẳng hiểu anh ta độc thoại hay… giả vờ đối thoại, nhưng màn hình điện thoại thì tối đen… Cùng với đó, hai người khác đứng đằng sau “bồi” thêm: “Xe mới ra khỏi cổng, chạy nhanh còn kịp đấy, về sớm đi”. Miệng nói, tay anh ta giúp sức một cách vội vàng để hai cô gái lên xe ôm, đuổi theo nhà xe. Hai cô gái không kịp phản ứng, ngoan ngoãn làm theo sự “giúp đỡ”…

…Và trấn lột

Tiếp tục với diễn biến “tôi và nhiều nạn nhân bị lừa”. Bằng mọi thủ đoạn, chúng đưa tôi lên xe máy rồi chỉ tay 5 ngón: “Đó. Xe ở phía trước”. Kể từ lúc đó,  gã “xe ôm” cứ thế vít ga, y như kiểu vội vàng, đến đoạn cao tốc trên cao, y lấy lý do “xe máy không được chạy lên cao, mà xe nhà anh lại vừa chạy lên đó, thôi cứ để anh đưa chú ra thẳng cửa ngõ Pháp Vân – cách hàng chục cây số, để bắt xe, anh miễn phí xe ôm”.

Vẫn chiêu thức đó, vẫn một “tài xế xe ôm” chở khách đi trước và có vài tên khác theo sau yểm trợ, đã có thêm nhiều khách đi xe bị lừa. Khi đã đến cầu Pháp Vân, chúng cho dừng xe và thu tiền. Cuộc giằng co, cãi vã, tráo trợn cũng bắt đầu. Hàng chục ngày theo dõi nắm bắt thông tin với hàng chục trường hợp, chúng tôi đều chứng kiến cảnh như vậy.

xo1

Khi bắt được “con mồi”, gã “xe ôm”  nhanh chóng rời bến.

Thực ra chẳng có xe nào gọi là “xe nhà anh”. Các tài xế xe ôm dởm ép khách đến khu vực Pháp Vân rồi lấy tiền, nôm na là “tiền công chở bạn từ Mỹ Đình xuống Thanh Trì”, dù rằng ai cũng hiểu, nếu về phía Nam, bắt một chuyến xe ôm như vậy là không cần thiết.

xo2

Nơi cao tốc hoang vắng thường là điểm được chọn để đối tượng lừa đảo trấn lột tiền của khách

Trở lại chuyện ép tiền. Giọng của những gã “xe ôm” lúc này gằn xuống, tráo trở, mắt long sòng sọc kèm cái hất hàm thách thức. Yếu thế, vị khách nào cũng phải lôi hầu bao móc ra những tờ tiền xanh, đỏ. Tôi từng nhìn thấy có vị khách không có tiền lẻ, móc ra đưa cho chúng tờ 500.000 đồng rồi nhận lại… cái tay không.

Bạo lực

Khi khách tỏ thái độ bất phục, lập tức những “tài xế xe ôm” theo sau dồn tới vây quanh với thái độ thách thức, dọa nạt.

Đến giờ tôi vẫn chưa nguôi ám ảnh về một nạn nhân của trò lừa gạt này. Anh là Hùng, quê ở Thanh Hóa. Khi Hùng ra đến bến xe đã thông báo về nhà rằng “đang chuẩn bị lên xe”. Trong túi Hùng lúc này có mang theo 20 triệu đồng là tiền anh đi làm suốt nửa năm trời. Ra bến xe, bị lừa, tưởng xe ngay phía trước, Hùng nghe lời “đám thợ săn” đồng ý chạy theo. Đến chỗ khuất, bị vây quanh đòi tiền, Hùng không đồng ý trả 500.000 đồng với quãng đường khoảng 1km. Lập tức, một cú đánh phía sau như trời giáng khiến anh ngã gục, mê man. Khi tỉnh dậy thấy mình không còn gì ngoài mảnh áo che thân, không muốn về quê với cái túi rỗng, Hùng lại bỏ đi làm ăn xa. Về phía người thân của Hùng, vì đã nhận thông báo Hùng lên xe, song do không thấy anh về nhà đúng hẹn, cũng không liên lạc được nên đã đăng tin tìm kiếm trên ti vi.

Đấy chỉ là vài trường hợp trong hàng trăm trường hợp đã bị những đối tượng bất hảo núp bóng xe ôm, hoặc những người làm ăn lương thiện để lừa gạt. Với nhiều hình thức hoạt động, có lúc tinh vi nhưng cũng có lúc công khai trắng trợn, hiện tượng lừa đảo kiểu này đang rất phổ biến và có nguy cơ trở thành vấn nạn tại bến xe Mỹ Đình.