Kể từ khi xe máy điện Vinfast ra mắt, có nhiều tranh cãi xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội về việc xe máy điện Klara so với xe máy tay ga cùng tầm giá trên thị trường, xe nào ít tốn kém hơn?

Mỗi người có ý kiến, phân tích khác nhau. Có người lựa chọn xe tay ga bởi vì tuy xe đi tốn xăng hơn trên lý thuyết nhưng bền, nạp nhiên liệu nhanh. Có ý kiến ủng hộ xe điện vì tiết kiệm chi phí vận hành, sửa chữa hơn nhiều. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng để bảo vệ lập luận của mình. Tuy nhiên, tranh cãi này chưa thể ngã ngũ vì dường như các lập luận tuy là chặt chẽ, thậm chí đã có phân tích đặt thông số, cấu hình hai phương tiện, hoặc dài cả trang giấy với đầy những phép tính toán, nhưng chưa đầy đủ để trả lời câu hỏi xe máy điện Klara so với xe tay ga, xe nào hiệu quả kinh tế hơn?

 

1876974

Vậy tại sao vấn đề hiệu quả kinh tế này được đặt ra với xe máy điện Vinfast trong khi xe máy điện đã có bán trên thị trường từ vài năm gần đây? Tôi cho rằng chính là ở giá bán. Xe máy điện Klara bản tiêu chuẩn là 21 triệu đồng (giá chưa bao gồm VAT) đợt đầu tiên, giá chính thức là 34 triệu đồng. Xe máy bản cao cấp là 54 triệu đồng, bán ưu đãi giảm giá đợt đầu là 35 triệu đồng. Giá như vậy so với giá xe máy điện phổ biến ở tầm 15 triệu đồng hiện bán trên thị trường (ngay cả trên trang Adayroi của Vingroup), là cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng lưu ý là xe máy điện loại này đều là xe Trung Quốc mặc dù có thể được bán dưới thương hiệu nổi tiếng như Vespa – xe Vespa điện đầu tiên có tên Vespa Elettrica bán ở châu Âu cuối năm nay, ở Mỹ phải đợi đến đầu sang năm, với giá bán từ 6.400 USD (khoảng 150 triệu đồng) ở châu Âu.

So với xe máy tay ga, giá xe máy điện Klara khi chưa giảm giá thì bản cao cấp sử dụng pin lithium có giá tương đương với xe Honda SH Mode, và xe Honda Vision đối với bản dùng ắc quy (là hai xe tay ga bán chạy trên thị trường hiện nay). Chưa kể, Vinfast còn tuyên bố: “Với chi phí bằng 50% so với xe chạy xăng cùng loại sau 5 năm sử dụng, Vinfast Klara sẽ là khoản đầu tư hiệu quả nhất”. Chính vì vậy, mặc dù là hai dòng sản phẩm khác hoàn toàn, nhưng xe máy điện của Vinfast không thể không được đưa ra so sánh về hiệu quả kinh tế với xe ga, cụ thể là SH Mode nếu so với phiên bản Klara lithium (chưa giảm giá).

Dưới đây là những điểm chính khi so sánh về hiệu quả kinh tế giữa xe máy điện Vinfast Klarabản pin lithium và SH Mode.

Giá lăn bánh lần đầu

1876977

Xe Vinfast Klara.

Chi phí lăn bánh lần đầu giữa xe máy điện Klara và xe ga không chênh lệch trừ phi xe tay ga bạn mua thuộc dạng bán chạy, như Honda SH Mode có giá bán thực tế chênh so với giá hãng đề xuất từ 5-7 triệu đồng. Các chi phí khác như lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, phí dịch vụ như nhau. Cụ thể, ở Hà Nội, giá lăn bánh của xe Klara bản pin lithium là 64,5 triệu đồng (giá chưa ưu đãi).

Vinfast Klara vs. SH Mode: Vinfast Klara thắng

Thuế môi trường

Xe tay ga phải chi trả thuế môi trường, được tính vào giá xăng. Mức thuế môi trường đối với mặt hàng xăng hiện tại là 3.000 đồng/ lít. Hồi tháng Chín vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu, trong đó mặt hàng xăng dự kiến tăng lên 4.000 đồng/lít từ 2019.

Xe máy điện không phải chịu khoản thuế này.

Vinfast Klara vs. SH Mode: Vinfast Klara thắng

Chi phí vận hành

SH Mode là một trong số những xe tay ga tiêu hao ít xăng nhất trên thị trường. Theo công bố của Honda, SH Mode có mức tiêu hao năng lượng là 50km/ lít xăng, tức chi phí mỗi 50km tốn 22 ngàn đồng.

Còn theo Vinfast, Klara tốn 4 giờ sạc điện để chạy được 70km, chi phí sạc pin được cho là gần 3.000 đồng (pin lithium 1.2kW, tính theo giá điện kinh doanh).

Lưu ý rằng đó chỉ là những con số trên lý thuyết, trong khi tiêu thụ nhiên liệu thực tế có thể rất khác, chẳng hạn khi xe phải leo dốc, chở người, tắc đường, thời tiết thay đổi đột ngột như quá nóng hay quá lạnh. Nhưng xét về tổng thể, xe máy điện vẫn chiếm ưu thế hơn về chi phí vận hành.

Vinfast Klara vs. SH Mode: Vinfast Klara thắng

1876983

Xe SH Mode trưng bày tại đại lý.

Chi phí chăm sóc xe định kỳ

Xe máy điện được cho là ít phải bảo dưỡng hơn so với xe tay ga. Vinfast tuyên bố người dùng không mất một đồng bảo dưỡng bởi động cơ điện không chổi than vốn có thể hoạt động hàng chục năm trời mà cần rất ít bảo trì. Bên cạnh đó, trong ba năm đầu khách hàng được miễn phí dầu nhớt, linh kiện hao mòn.

Trong khi đó, chi phí thay dầu nhớt, nước mát, vệ sinh máy xe tay ga… định kỳ mỗi năm chi phí cũng đến cả triệu đồng.

Vinfast Klara vs. SH Mode: Vinfast Klara thắng

Độ bền

Xe máy điện nói chung là một ngành công nghiệp còn non trẻ so với xe máy động cơ xăng do đó nó vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cải tiến. Nhất là khi nó phụ thuộc nhiều vào pin lithium, ngành công nghiệp còn đang lúng túng với bài toán hóc búa làm sao tăng được tuổi thọ và dung lượng pin.

Cụm động cơ Klara công suất 1.2kW theo Vinfast có ngưỡng 1000 chu kỳ sạc xả, tương đương 6-8 năm sử dụng và mỗi ngày đi khoảng 20 km.

Đó là cách tính trên lý thuyết. Còn thực tế như nói ở trên tiêu hao nhiên liệu của xe máy phụ thuộc vào điều kiện môi trường như nhiệt độ, tải trọng, mức độ dừng đỗ, leo dốc, xuống dốc, nhu cầu đi lại… khiến cho pin sụt giảm nhiều nên thường cần phải sạc mỗi ngày, tức là chu kỳ sạc xả chỉ tương đương với khoảng 3 năm. Khi đó pin vẫn hoạt động bình thường, nhưng khả năng lưu trữ bị giảm đi, theo nhà sản xuất là còn trên 70% dung lượng thiết kế.

Tất nhiên, đó lại vẫn là con số lý thuyết. Thực tế pin lithium qua một thời gian sử dụng sẽ dẫn đến hiện tượng chai pin, thậm chí phải thay pin. Điều này có thể thấy rõ qua sử dụng điện thoại, laptop đều dùng pin lithium.

Khi phải thay pin, giá thay thế sẽ không hề rẻ. Mặc dù Vinfast không công bố, nhưng theo nhiều chuyên gia, pin lithium sử dụng cho xe máy điện như Klara có giá từ 12-15 triệu đồng.

Một lưu ý nữa với người dùng là khi thời tiết quá nóng, nếu không để xe “trú nắng” hoặc nghỉ ngơi thì có thể dẫn đến hiện tượng sụt pin và chai pin. Và không nhà sản xuất nào bảo hành pin cho trường hợp này.

Trong khi đó, về độ bền động cơ nói riêng và xe Honda SH Mode nói chung thì không phải là vấn đề cần lo ngại.

Vinfast Klara vs. SH Mode: SH Mode thắng

Giá trị sau một thời gian sử dụng

Một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá tính hiệu quả kinh tế là xe máy giữ được giá trị như thế nào sau một thời gian sử dụng. Hiểu đơn giản, ngay sau khi lăn bánh lần đầu thì chiếc xe có dễ bán hay không? Giá trị bị giảm đi nhiều không?

Xe máy điện Klara mới bán ra thị trường thì vẫn còn cần thời gian để đánh giá, tuy nhiên thực tế cho thấy xe máy điện sau khi sử dụng khó bán lại và giá trị giảm rất nhiều so với khi mua mới.

Trong khi đó, nhu cầu mua lại xe SH Mode không phải là ít, giá trị xe giảm dần theo số km (hoặc số năm) đã sử dụng tuy nhiên không phải là giảm “sốc” như với xe máy điện.

Vinfast Klara vs. SH Mode: SH Mode thắng

Tính tiện lợi

Vinfast Klara không cần phải có giấy phép lái xe, phù hợp với đối tương có nhu cầu di chuyển ít trong thành phố, như học sinh, công nhân viên chức sáng đi tối về cùng một quãng đường tầm trên dưới 20km/ ngày.

Mặc dù Vinfast đẩy nhanh tiến độ phủ sóng trạm sạc pin, và việc sạc pin xe điện rất dễ, chỉ cần kiếm một chiếc ổ cắm. Tuy nhiên, thời gian sạc lâu, bình thường phải mất cả tiếng đồng hồ, còn sạc nhanh (với điều kiện phải có củ sạc nhanh) cũng mất đến 15 phút. Đó là chưa kể trạm sạc pin nhanh không phải là luôn sẵn có. Thời gian đầu, VinFast sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống trạm sạc tại 600 điểm kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc của PV Oil, sau đó sẽ tăng lên 20.000 điểm vào năm 2020, và tổng công ba mô hình trạm sạc thường, trạm thuê pin và trạm sạc nhanh sẽ đạt số lượng 30.000 – 50.000 trạm trên toàn quốc.

Do vậy nếu có nhu cầu đột xuất phải đi xa hơn, chẳng hạn đi dã ngoại, hoặc hoạt động với cường độ cao thì xe máy điện không phải là lựa chọn phù hợp. Đây cũng chính là một lý do tại sao cho đến nay chúng ta không hề thấy ai chạy xe ôm sử dụng xe máy điện mặc dù phương tiện này tốn ít nhiên liệu như vậy.

Trong khi đó xe máy tay ga giải quyết được tất cả những nhu cầu di chuyển đó.

Vinfast Klara vs. SH Mode: SH Mode thắng

Thương hiệu và độ an toàn

Thương hiệu xe không chỉ nói lên giá trị mà cả độ an toàn, tin cậy của phương tiện. Honda là một hãng xe lớn, có uy tín trên thế giới, khởi nguồn là công ty sản xuất động cơ Honda thành lập năm 1948. Cái tên Honda cũng là một đảm bảo tin tưởng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

Vinfast Klara là một thương hiệu mới tinh. Điều Vinfast tự hào về chất lượng là “nhờ quy tụ đội ngũ lãnh đạo và kỹ sư cấp cao với kinh nghiệm trên 40 năm từ các tập đoàn toàn cầu trong ngành ô tô xe máy”. Mặc dù trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường đều đã phải trải qua các bài test về an toàn, nhưng nó vẫn chưa được kiểm chứng trên thực tế qua thời gian sử dụng của người tiêu dùng.

Vinfast Klara vs. SH Mode: SH Mode thắng

Kết luận: Cá nhân tôi cho rằng nếu người tiêu dùng đã sẵn sàng bỏ ra hơn 60 triệu đồng để sở hữu một chiếc xe gắn máy thì họ đã nhắm mục tiêu mua rồi, chứ không phải đang băn khoăn nên chọn sản phẩm nào. Nói cách khác, ở tầm giá này, tính hiệu quả kinh tế không phải là yếu tố chính giúp ra quyết định mua sắm, mà chính là sở thích.

Do vậy, những phân tích nhận định trên đây chỉ có tính tham khảo và giúp giải đáp cho câu hỏi đang gây tranh cãi về tính hiệu quả kinh tế của hai xe máy có cùng tầm giá, nhưng một bên là xe máy điện, một bên là xe chạy xăng.