TT – Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội chuyển 525 xe khách đang hoạt động tại bến xe khách Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) chạy các tuyến Hà Nội – Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định về hoạt động tại hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm. Bến xe Mỹ Đình lo doanh nghiệp gặp khó

Tzr7ryNx.jpg
Xe khách tuyến Sơn La và năm tuyến khác dự kiến chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình từ ngày 6-5Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo đề xuất của Sở GTVT TP, thời gian điều chuyển 525 xe khách thuộc những tuyến nói trên sẽ thực hiện từ ngày 6-5.

59 đơn vị vận tải phải về các bến mới

Theo Sở GTVT Hà Nội, qua khảo sát cho thấy 525 xe khách kể trên thuộc 59 đơn vị vận tải, trong đó có 12 đơn vị vận tải của Hà Nội và 47 đơn vị vận tải của các tỉnh. Phương án điều chuyển được đề xuất chuyển toàn bộ số xe khách thuộc các tuyến đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa (Q.Hà Đông). Số xe đang hoạt động trên các tuyến từ Mỹ Đình đi Thái Bình, Nam Định sẽ được điều chuyển chia đều cho cả hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm (huyện Gia Lâm).

Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc điều chuyển kể trên phù hợp với hướng tuyến, ví như các tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc sẽ đi theo hành trình quốc lộ 6 vào bến xe Yên Nghĩa là hợp lý. Còn đối với các tuyến đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, sẽ đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn – Lê Văn Lương kéo dài – đường trên cao vành đai 3… để vào bến xe Yên Nghĩa hoặc đi theo quốc lộ 1, cầu Thanh Trì; hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 để vào bến xe Gia Lâm.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng việc điều chuyển 525 xe khách từ bến xe Mỹ Đình về hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm là phù hợp với thực trạng các bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm vì tần suất xe hoạt động tại hai bến này còn thấp, đang dư thừa khả năng khai thác.

Người dân và doanh nghiệp gặp khó?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến – giám đốc bến xe Mỹ Đình – khẳng định việc điều chuyển số xe khách nói trên ra khỏi bến xe Mỹ Đình chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Tiến, nhu cầu đi lại của người dân và sinh viên tại sáu tuyến xe kể trên từ bến xe Mỹ Đình là cực kỳ lớn. “Xung quanh bến xe Mỹ Đình hiện đang có khoảng 40 trường đại học và rất nhiều khu đô thị. Người dân, sinh viên chỉ cần đi một lượt xe đến bến xe Mỹ Đình là có thể đón xe về sáu tỉnh kể trên, nhưng nếu điều chuyển số xe về sáu tỉnh trên ra khỏi Mỹ Đình thì người dân và sinh viên sẽ phải đón xe hai lần mới về được các bến mới để đón xe” – ông Tiến nói.

Thực tế cho thấy nếu phương án điều chuyển 525 xe khách thuộc sáu tuyến xe nói trên được TP cho phép thì hành khách đón xe về sáu tỉnh liên quan sẽ phải đi xa thêm hàng chục kilômet mới đến được các bến mới để đón xe. “Người dân cần bến xe liền kề, sinh viên cũng không có tiền để phải bắt thêm một lượt xe mới tới được bến. Doanh nghiệp vận tải cũng sẽ gặp khó vì đang khai thác hiệu quả trên các tuyến cố định tại bến xe Mỹ Đình, giờ về các bến mới sẽ thiếu vắng khách…” – ông Tiến phân tích.

Theo ông Tiến, việc chuyển số xe khách nói trên ra khỏi Mỹ Đình cần phải có khảo sát, họp bàn rộng rãi với các ban ngành và quan trọng nhất là phải có lộ trình để các doanh nghiệp vận tải bớt ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết thời gian qua, tại khu vực bến xe khách Mỹ Đình xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông vào một số thời điểm trong ngày. Hiện tượng các “xe dù”, bến cóc hoạt động ngày càng gia tăng tại khu vực này gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, theo ông Hùng, việc điều chuyển các xe khách nói trên nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, giảm ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực bến xe này. Ông Hùng cũng cho biết Sở GTVT TP sẽ có phương án tổ chức các tuyến buýt nhanh kết nối giữa bến xe Mỹ Đình tới bến xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm.

XU