Như báo Dân sinh đã phản ánh “Hà Nội: Xe dù, bến cóc vẫn hoạt động ‘tinh vi’ và công khai”. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn thường xuyên tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc với tính chất ngày một phức tạp, đặc biệt vào dịp cuối năm, khi mà nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân đang tăng cao. Điều này làm gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông; đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính.

Ghi nhận tại một số “điểm nóng như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Đại Lộ Thăng Long… các hoạt động bến “cóc” xe “dù” vấn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vì nhu cầu của một bộ phận người dân nên các xe khách vẫn cố tình phạm luật, gây nhiều nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Điển hình như tuyến đường Phạm Hùng, nhiều xe khách đi với tốc độ “rùa bò” để đón – trả khách ở ngoài bến gây mất trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, vào những khung giờ cao điểm, nhiều xe khách còn dàn hàng 2 hoặc đột ngột giảm tốc độ để tạt vào lề đường đón trả khách. Đường Phạm Hùng vốn được xem là một “điểm nóng” vì bến xe Mỹ Đình nằm trên cung đường này là một trong những bến xe lớn của thành phố, có nhiều lượt xe khách ra vào bến.

xe dù bến cócHoạt động bến “cóc” xe “dù” vấn chưa có dấu hiệu thuyên giảm

Theo số liệu từ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội), bình quân mỗi ngày có khoảng 1.200 lượt chuyến xe khách ra vào Bến xe Mỹ Đình. Điều này cho thấy, lượng xe khách hoạt động trên tuyến Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng luôn đông. Trong khi đó, do thiếu ý thức, một bộ phận hành khách đã đứng ngoài đường bắt xe khách, thay vì vào bến mua vé, lên xe nên tạo điều kiện cho các nhà xe vi phạm, hình thành những bến “cóc” trá hình. tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều nhà xe sử dụng những chiêu thức tinh vi như đã lập các văn phòng đại diện, tập trung chủ yếu gần các bến xe. Tuy nhiên, chỉ có một vài văn phòng đăng ký hoạt động hợp pháp, còn lại, đa số đều như một bến xe cóc, đón trả khách đều đặn ở nhiều điểm, trải dọc trên các tuyến phố Hà Nội; lập các bến “cóc” ở khu vực khuất trong các khu dự án đang triển khai, nếu thấy bóng dáng cơ quan chức năng sẽ lập tức di chuyển đi nơi khác điển hình như các địa điểm như trên tuyến đường Trương Công Giai (Cầu Giấy), khu vực đất dự án bên cạnh công viên Cầu Giấy, ngõ 70 phố Nguyễn Hoàng…

Xe dù bến cóc xe dù bến cócXe khách đội lốt xe hợp đồng

Tình trạng xe khách đội lốt xe hợp đồng đã làm phá vỡ quy hoạch vận tải, giảm đáng kể lượng người di chuyển bằng xe khách đăng ký hoạt động tại các bến xe.

Một lái xe chạy tuyến Mỹ Đình – Lạng Sơn phản ánh, tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe limousine từ  9- 16  chỗ đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn… len lỏi vào khu vực nội thành không chỉ làm mất trật tự an toàn chung của thành phố, mà ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải tuyến cố định.

Các lực lượng thanh tra giao thông và Công an Hà Nội đã phát hiện và xử lý rất nhiều vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu sụt giảm do mức xử phạt hiện tại không đủ sức răn đe.xe dù bến cóc

Hoạt động xe dù bến cóc làm gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4.202 trường hợp vi phạm các loại, phạt tiền trên 4,8 tỷ đồng, tạm giữ 44 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 754 trường hợp, tước phù hiệu 71 trường hợp. Trong đó, riêng loại hình xe hợp đồng lập biên bản xử phạt 974 trường hợp với các lỗi chủ yếu như: Đón trả khách tại nơi có biển cấm dừng, đỗ; không có hợp đồng vận chuyển; không có hoặc không mang theo danh sách hành khách…, qua đó đã phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng, tạm giữ 10 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 232 trường hợp.

Tuy nhiên theo quy định hiện hành, các trường hợp xe hợp đồng chạy như xe khách tuyến cố định, đón trả khách ngoài bến hiện chỉ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 1 – 3 tháng nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều nhà xe chỉ cần thay lái xe khác, rồi lại tiếp tục hoạt động vi phạm.

Bộ GTVT vừa có Chỉ thị số 04/2018 yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để tái diễn tình trạng” xe dù, bến cóc”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2018 của Thủ tướng về đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định, của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tái diễn tình trạng “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự ATGT trên địa bàn.